[Kiến Thức] Chạy Lâu Chân Bị Phồng Rộp, Bạn Có Biết Nguyên Nhân Thực Sự Là Gì?

Nam N. Phung
Đăng ngày 29/08/2020
745 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

(Nguồn ảnh: 123RF)


Nhiều người coi những mụn nước phồng rộp ở chân là biểu tượng của sự luyện tập kiên trì, nhưng một số người dù chỉ chạy với cự ly ngắn và cường độ thấp cũng lại bị phồng rộp. Vậy nguyên do ở đâu?

Trên thực tế, ngoài việc chạy quá lâu và quá mạnh thì việc chọn giày chạy bộ không đúng cũng là nguyên nhân chính gây phồng rộp da. Jian Kunzhong, phó giáo sư Khoa Thể thao Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết: “Chọn giày, miếng lót giày hoặc vớ không phù hợp có thể làm tăng ma sát và gây ra các vết phồng sớm hơn”. Ngoài việc kiểm soát quãng đường và cường độ chạy, chọn một đôi giày chạy bộ phù hợp còn có thể giảm ma sát bất thường giữa bàn chân của bạn. Phó giáo sư Jian Kunzhong cung cấp 4 mẹo để chọn giày chạy bộ:

1. Chọn kích cỡ giày phù hợp

Hầu hết mọi người chọn giày chạy bộ bằng cách đẩy hết các ngón chân về phía trước, và sau đó xem liệu họ có thể nhét một ngón tay vào gót chân hay không. "Đây thực sự là cách chọn giày chạy bộ sai lầm". Phó giáo sư Jian Kunzhong đã chỉ ra rằng: cách chọn giày chạy bộ đúng cách là bạn nên đặt gót chân sát với gót giày, sau đó xem khoảng trống giữa ngón chân và mũi giày có đủ rộng bằng một ngón tay không. Đây mới là cách chính xác để chọn size giày phù hợp.

2. Vòm bàn chân cao hoặc phẳng - khả năng giảm sóc và hỗ trợ

"Việc tìm hiểu cấu trúc vòm bàn chân trước khi chọn giày chạy là điều rất quan trọng. Cái gọi là "vòm" chính là phần lõm của bàn chân. Theo cấu trúc, nó có thể được chia thành ba nhóm chính: vòm bình thường, vòm cao và bàn chân bẹt", phó giáo sư Jian Kunzhong cho biết.

Những người có vòm chân cao nên chọn giày chạy bộ “hỗ trợ nhẹ và giảm sốc”.

Bàn chân phẳng với phần vòm thấp nên đi giày chạy bộ có "thiết kế hỗ trợ vòm”.

Những người có vòm chân bình thường thì có thể chọn giày chạy bộ thông thường.

Phó giáo sư Jian Kunzhong gợi ý rằng khi chọn giày chạy bộ, trước tiên hãy quan sát màu sắc và chất liệu của phần bên hông đế giày. Nếu màu sắc và chất liệu của phần vòm giày khác với các bộ phận khác, nghĩa là giày có thiết kế hỗ trợ vòm. Diện tích lớn hơn là hỗ trợ cao, còn diện tích nhỏ hơn là hỗ trợ nhẹ. Nếu phần gót có màu sắc hoặc chất liệu khác với các bộ phận còn lại, điều này cũng có nghĩa là giày được thiết kế với chức năng tăng cường giảm sốc. Nếu chất liệu của đế có màu sắc giống nhau, có nghĩa là giày phù hợp với kiểu vòm chân bình thường.

3. Quan sát miếng lót giày để xác định chiều rộng của mũi của giày chạy bộ

Mũi giày chạy bộ cũng có thể được chia thành mũi rộng và mũi hẹp, đó cũng là chiều rộng của các ngón chân. So với người châu Âu và châu Mỹ, người châu Á thường có mũi chân rộng hơn. Dù chọn đúng kích thước giày, nhưng nếu chiều rộng của mũi giày bị hẹp thì các ngón chân sẽ có khả năng bị ép vào nhau và dễ gây ra các "bóng nước" khi chạy.

4. Mang vớ quá cứng cũng là nguyên nhân gây ra phồng rộp

Đôi khi những vết phồng không phải do giày mà nguyên nhân đến từ vớ. Phó giáo sư Jian Kunzhong chỉ ra rằng: "Những đôi vớ không được thay thường xuyên hoặc quá cũ sẽ bị cứng do xơ hóa, hoặc chất liệu của vớ quá cứng sẽ rất dễ làm tăng ma sát giữa bàn chân và giày chạy bộ".

Việc chọn loại vớ nào khi chạy bộ thì còn tùy thuộc vào khối lượng vận động. Mặc dù vớ cotton mềm mại và hút nước tốt nhưng lại không dễ thoát ẩm và chỉ phù hợp cho các cự ly ngắn. Đối với các runner đường dài, trên thị trường có rất nhiều loại vớ có khả năng hút ẩm, thấm mồ hôi, thoáng khí và mềm mại. Mọi người có thể tự do lựa chọn.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng: thường xuyên chạy trên những con đường gồ ghề sẽ không chỉ gây ra ma sát theo một chiều lên xuống mà còn dễ gây ra ma sát theo các hướng khác nhau với những lực tác động không đều. Phó giáo sư Jian Kunzhong nhắc nhở: "Khi chạy trên mặt đất gồ ghề, độ chặt của dây giày rất quan trọng. Nếu bạn chọn đúng giày phù hợp, nhưng dây giày buộc quá lỏng lẻo, vết phồng rộp cũng sẽ lan ra và to dần theo thời gian chạy".


[Nguồn bài viết: Running Biji]